Thứ Tư, 31 tháng 10, 2012



TĂNG GIÁ TRỊ GIAO DỊCH CHO TTCK VIÊT NAM
                                   Bùi Nguyên Hoàn,
                                 


Mấy năm gần đây giới tài chính quốc tế đánh giá thị trường chứng khoán Việt Nam (TTCK VN) là thị trường tệ nhất thế giới. Tôi nghĩ lời nhận xét đó không sai. Hơn một nửa số chứng khoán niêm yết có giá thấp hơn mệnh giá, thậm chí có cổ phiếu có giá dưới 1.000đ. Giá trị giao dịch thấp tới mức tại sàn Hà Nội có phiên không nổi 100 tỷ đ. Nhưng, đằng sau những con số đáng buồn đó, nôi tình các công ty chứng khoán, công ty niêm yết còn tệ hơn nhiều.

Giá trị giao dịch là thước đo thanh khoản, là tiêu chí số một để đánh giá sự thành bại của thị trường. Giá trị giao dịch thấp thì tính thanh khoản yếu, hệ quả sẽ là hạn chế khả năng đầu tư và phát hành mới, thị trường dẫm chân tại chỗ. Giá trị giao dịch thấp thì doanh thu môi giới ít, trong hoàn cảnh nghiệp vụ tự doanh, bảo lãnh phát hành và tư vấn đầu tư bế tắc, công ty chứng khoán thua lổ là tất yếu. 

Thị trường lúc thịnh lúc suy, giá lúc tăng lúc giảm, lúc cao lúc thấp, người đầu tư lúc thành công lúc thất bại...đó là chuyện bình thường. Nhưng hàng loạt công ty niêm  yết phải và muốn hủy bỏ niêm yết, hàng loạt công ty chứng khoán thua lỗ, nợ nần đầm đìa đang bế tắc hướng ra, rất nhiều nhà đầu tư bị chiếm dụng vốn, chứng khoán trên tài khoản tại công ty chứng khoán, không ít các nhà lãnh đạo và người môi giới dính vào vòng lao lý...đó là những chuyện rất không bình thường. Nguyên nhân, tôi nghĩ rằng chủ yếu là ở khâu luật lệ, chính sách và năng lực quản lý.

1. Hơn 12 năm qua TTCK VN vận động đúng theo quy luật thị trường, bị chi phối nặng nề bởi yếu tố tâm lý, trong khi việc quản lý, can thiệp, ứng phó với thị trường chủ yếu bằng các giải pháp hành chính phi thị trường.

Những ngày đầu, thị trường chỉ có 2 loại cổ phiếu niêm yết, giá trị vốn niêm yết 250 tỷ đồng, nhưng hoạt động đầu tư chứng khoán như là "mốt thời thương", cung cầu chứng khoán mất cân đối nghiêm trọng. Sau một năm, chỉ số VNIndex tăng từ 100 lên 770 điểm (7.2001). Giá như lúc này, Bộ tài chính khẩn trương cổ phần hóa, đưa chứng khoán vào niêm yết, hoặc đưa cổ phiếu cổ phần hóa ra đấu giá trên thị trường (IPO), thì cung cầu sẽ cân đối, thị trường ổn định. Nhưng không, hai ngày cuối cùng của tháng 7.2001, một ý tưởng có thực từ cơ quan quản lý bị rò rỉ "người đầu tư sau 3 tháng mua vào mới được bán ra". Một "sáng kiến chết người", VNIndex lập tức đổi chiều và rơi tự do. Chưa đầy 3 tháng sau, chỉ số xuống còn 130 điểm (10.2001). Người đầu tư hoang mang cực độ. Nhiều tháng và nhiều năm sau đó thị trường "gật gù", biểu đồ chỉ số là một đường thẳng nằm ngang. Từ 2005 - 2006  VNIndex diễn biến tích cực theo tín hiệu đàm phán Việt Nam gia nhập tổ chức thương mại thế giới (WTO). Ngày 7.11.2006, VN là thành viên chính thức của WTO và tổ chức thành công Hội nghị APEC tại Hà Nội, TTCK VN như được tiếp lửa, VNIndex tăng vọt lên 809 điểm (12. 2006) rồi đạt đỉnh điểm lịch sử 1170 điểm (12.03.2007). Nhưng rồi sau đó, người đầu tư cũng đủ tỉnh táo nhận ra rằng WTO không phải là "đũa thần" cho kinh tế VN. VNIndex bắt đầu hạ điểm. Tiếp đến tháng 3.2008, Ngân hàng Nhà nước ra chỉ thị 03, kéo vốn ngân hàng ra khỏi TTCK. TTCK VN một lần nữa bị thoái trào. Năm 2008 cuộc khủng hoảng tín dụng địa ốc dưới chuẩn tại Mỹ, mở đầu cho cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, TTCK thế giới rung động, TTCK VN  tụt dốc, VNIndex xuống dưới 300 điểm. Đến nay TTCK Mỹ và nhiều nước khác cơ bản đã phục hồi, các thị trường châu Âu đang bị sa lầy bởi nợ công, TTCK VN đang bị sa lầy bởi những yếu kém nội tại của chính nó và của nền kinh tế - tài chính.

Tuy vậy, 12 năm qua TTCK VN cũng đã lập được một "thành tích bất hủ". Tâm lý hưng phấn bầy đàn của người đầu tư trong từng giai đoạn, tạo nên giá trị kinh tế ảo "bong bóng thị trường" quá nhanh và quá cao. Nhiều công ty niêm yết đã không bỏ lỡ thời cơ, nhanh chóng phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ lên hàng chục, thậm chí hàng trăm lần. Nhưng việc phát hành cổ phiếu chỉ dựa trên các thủ tục hành chính đơn thuần, không trên căn cứ các dự án đầu tư hiệu quả và các chỉ tiêu kinh tế vững chắc. Chỉ trong 12 năm ngắn ngủi, TTCK đã tạo ra một Câu lạc bộ ngàn tỷ đồng, với số thành viên hàng trăm người. Tương ứng với số hàng ngàn tỷ tăng thêm của các thành viên này là số thua lỗ, mất đi của hầu hết công chúng đầu tư, khi giá cổ phiếu trở về gần với giá trị thực của nó. Chưa có cuộc tích tụ tư bản nào nhanh hơn tại Việt Nam (!).

2. Tồn tại lớn nhất của TTCK VN trong hơn 12 năm qua là không công bằng và thiếu minh bạch. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến những bê bối của các công ty chứng khoán, công ty niêm yết, dẫn đến người đầu tư đã và đang từng bước rút khỏi thị trường.

Không công bằng trong giao dịch, người yêu người ghét, do người môi giới và người điều hành hệ thống xử sự với người đầu tư, là một chuyện không nhỏ. Vì nó làm cho người đầu tư số đông ít có được cơ hội mua vào hoặc bán ra. (Trên TTCK cơ hội là vàng). Nhưng không công bằng giữa các cổ đông trong cùng công ty niêm yết là một câu chuyện lớn hơn nhiều. TTCK VN hoạt động trên một nền tảng các chuẩn mực quản trị công ty cổ phần đại chúng chưa theo nguyên tắc thị trường "bình đẳng giữa các cổ đông, cổ đông thiểu số phải được bảo vệ". Các công ty niêm yết và công ty đại chúng đích thực là những công ty cổ phần, nhưng phương cách quản trị cơ bản vẫn như là doanh nghiệp Nhà nước, hoặc như là doanh nghiệp tư nhân. Người đầu tư nhỏ (cổ đông thiểu số) đang như bị bỏ rơi, quyền hợp pháp của họ bị xâm phạm nghiêm trọng, và không có người bảo vệ. Ủy ban chứng khoán Nhà nước với vị trí pháp lý và bộ máy như hiện nay, còn lâu mới làm được vai trò người trọng tài, người bảo vệ lợi ích hợp pháp cho mọi cổ đông trong công ty đại chúng. Những người đầu tư nhỏ đã nhìn thấy được sự lép vế, thua thiệt, tất yếu họ phải tìm cách rút khỏi thị trường.

3. Dù đã ở tuổi 13, TTCK VN vẫn nghèo nàn về chứng khoán và đơn điệu về giao dịch. Số chứng khoán niêm yết tại 2 SGD đến nay là 705 cổ phiếu, chưa phải là con số đáng kể ở một đất nước hơn 85 triệu dân. Những đơn vị kinh tế lớn thuôc các ngành kinh tế chủ chốt vẫn thuộc sở hữu Nhà Nước, đang nằm ngoài thị trường.

Số chứng khoán và giá trị vốn niêm yết thấp, thì giá trị giao dịch thấp là một vấn đề. Các loại chứng khoán giao dịch trên thị trường đến nay vẫn chỉ đơn điệu là cổ phiếu phổ thông, rất nhiều loại cổ phiếu khác, Luật Doanh nghiệp đã cho phép phát hành, vẫn chưa được phát hành, hoặc phát hành chưa đúng chuẩn. Nhiều loại chứng khoán phái sinh, là những công cụ đầu cơ thông minh, an toàn, kích hoạt giá trị giao dịch rất mạnh mẽ, TTCK thế giới đã giao dịch hàng trăm năm, TTCK VN vẫn chưa có. Khi mà nền kinh tế có vấn đề, giao dịch cổ phiếu, trái phiếu bị chựng lại, TTCK vẫn giao dịch sôi động từ các loại chứng khoán phái sinh, công ty chứng khoán vẫn có thu nhập.
                                                                                                                                                 
Trên 90% giao dịch trên TTCK là giao dịch đầu cơ. Các loại chứng khoán phái sinh, như là hợp đồng về quyền lựa chọn, hợp đồng tương lai... là những công cụ đầu cơ hoàn hảo cho giới đầu tư và kinh doanh chứng khoán chuyên nghiệp. Giao dịch chứng khoán phái sinh có giá trị kích hoạt giao dịch cổ phiếu. Lịch sử phát triển của thế giới chưa có thị trường nào giao dịch chứng khoán phái sinh cản trở giao dịch cổ phiếu. TTCK Mỹ trong 2 năm 2008 - 2009 bị suy giảm nghiêm trọng do khủng hoảng tài chính, có một giai đoạn họ cấm giao dịch bán khống, nhưng không cấm giao dịch chứng khoán phái sinh. Hiểu thấu đáo bản chất của các công cụ phái sinh sẽ thấy được vị trí quan trọng của nó trên TTCK. Rất tiếc cho TTCK VN trong thời buổi "chợ chiều" hiện nay.  

4. Các yếu tố kinh tế vĩ mô, như là tỷ giá, lãi suất, lạm phát, thuế thu nhập từ đầu tư chứng khoán đang bất lợi cho đầu tư chứng khoán.

Lạm phát và tỷ giá không ổn định, biến động theo hướng giảm giá trị của đồng tiền VN so với các ngoại tệ mạnh, thì rất khó thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Đồng tiền của ta đang ở trong trạng thái đó.

Lãi suất ngân hàng cao hơn lợi nhuận bình quân nền kinh tế, sẽ rất bất lợi cho đầu tư chứng khoán. Với lãi suất ngân hàng hiện nay người đầu tư sẽ thoái vốn ở TTCK đưa gửi ngân hàng, sẽ có thu nhập cao hơn, an toàn và đơn giản hơn.

Thuế thu nhập cá nhân không đánh vào tiền gửi tiết kiệm, đánh vào đầu tư chứng khoán là một chuyện ngược đời(!), nhất là trong tình hình tài chính doanh nghiệp đang rất yếu kém hiện nay. Bạn có 100 triệu đ, đưa gửi ngân hàng. Ngân hàng dùng số tiền đó cho vay, nền kinh tế sẽ nhận được 90 triệu đ vốn kinh doanh ngắn hạn (trừ 10% dự trữ bắt buộc). Số vốn đó hình thành vốn nợ của đơn vị vay. Ngược lại, nếu bạn đầu tư cổ phiếu, nền kinh tế sẽ nhận được đầy đủ 100 triệu, và số vốn đó hình thành vốn cổ phần (vốn chủ), ta gọi là vốn tự có. Cơ cấu tài chính doanh nghiệp VN nói chung còn rất yếu, vốn nợ chiếm trên 70%, vốn chủ không quá 30%. Để lành mạnh tài chính doanh nghiệp phải lật ngược con số đó, vốn chủ / vốn nợ trên dưới 70/30. Làm được như vậy, nền kinh tế sẽ có sự thay đổi về chất, từ đó giảm được lãi suất ngân hàng (cả lãi suất huy động và lãi suất cho vay), doanh nghiệp có vốn tích lũy đầu tư phát triển. Vì vậy nên bỏ thuế thu nhập cá nhân từ đầu tư cổ phiếu. Bỏ thuế thu nhập cá nhân từ đầu tư cổ phiếu lúc này còn là một động lực góp phần thúc đẩy cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước đang dẫm chân tại chỗ. 

Thị trường chứng khoán là thị trường lòng tin, và là thị trường đầu cơ. Giải pháp cho TTCK VN trước mắt và cả lâu dài, tôi nghĩ có 3 nhóm: nhóm giải pháp về chính sách, về quản lý và về kỹ thuật nghiệp vụ.

Trước hết, Nhà nước cần có những chính sách nhằm đưa người đầu tư quay lại với thị trường: bỏ thuế thu nhập cá nhân từ đầu tư chứng khoán, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho các công ty chứng khoán để công ty chứng khoán giảm phí giao dịch cho người đầu tư (có thể phí giao dịch chỉ thu ở lệnh bán), từng bước giảm lãi suất ngân hàng, ngân hàng nới lỏng mức dư nợ đầu tư chứng khoán;

Hai là, để tránh xung khắc quyền lợi của người đầu tư với công ty chứng khoán và để ngăn chặn công ty chứng khoán sử dụng phi pháp vốn của người đầu tư, tách công ty chứng khoán ra làm 2 loại công ty: công ty môi giới chứng khoán (không có nghiệp vụ tự doanh và bảo lãnh phát hành), và công ty kinh doanh chứng khoán (không có nghiệp vụ môi giới). Công ty môi giới chứng khoán phải thanh lọc đội ngũ môi giới, nâng cao kiến thức, năng lực tư vấn và đạo đức nghề nghiệp cho họ, để họ trở thành chỗ dựa đáng tin cậy của người đầu tư, mỗi người đầu tư đều có người môi giới tư vấn thực thụ. Tài khoản tiền vốn của người đầu tư phải được mở tại một ngân hàng thương mại do khách hàng lựa chọn, đứng tên người đầu tư. Giám sát chặt chẽ tài khoản chứng khoán của người đầu tư tại công ty chứng khoán.

Ba là, tăng cường quản lý, giám sát chặt chẽ việc thực hiện quy chế quản trị công ty, quy chế thông tin và giao dịch trên thị trường. Chú trọng bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mọi cổ đông, mọi người đầu tư. Người đầu tư có đủ thông tin cần thiết liên quan đến giá chứng khoán và tình hình thị trường một cách kịp thời, bình đẳng. Công ty chứng khoán phải minh bạch, công khai tài chính, công khai thường xuyên lý lịch trích ngang đội ngũ môi giới và người lãnh đạo. Ngăn chặn tối đa và xử lý nghiêm giao dịch nội gián, giao dịch không công bằng, và những hành vi xử sự sai điều lệ, quy chế quản trị công ty của người quản trị, điều hành tại các công ty đại chúng.

Bốn là, ban hành thể lệ, quy chế và triển khai giao dịch chứng khoán phái sinh. Thời kỳ đầu cho giao dịch hợp đồng tương lai về các loại cổ phiếu thuộc nhóm thanh khoản cao, và cho giao dịch quyền lựa chọn về các loại cổ phiếu đó và hai chỉ số VNIndex, HNX. Sau đó tùy thuộc kỹ năng giao dịch của thị trường và năng lực quản lý của các sở giao dịch, có thể bổ sung các loại giao dịch hợp đồng kỳ hạn và quyền lưa chọn về ngoại tệ, vàng và các loại hàng hóa giao dịch trên các thị trường hàng hóa kỳ hạn của thế giới (cafe, dầu mỏ...). Tất nhiên để giao dịch các công cụ phái sinh an toàn và hiệu quả, phải có quy chế chính xác, cụ thể và phải phổ cập kiến thức cho các công ty chứng khoán và người đầu tư.

Năm là, Nhà nước cần có một cơ quan quản lý nhà nước chuyên môn về hệ thống thị trường tài chính. Các định chế tài chính như ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, và các tổ chức đầu tư tài chính, mỗi loại định chế có tính độc lập về kỹ thuật nghiệp vụ, nhưng có mối quan hệ hữu cơ, là tiền đề, tác động, thúc đẩy lẫn nhau. Do đó cần có một cơ quan quản lý Nhà nước bao trùm lên tất cả, để có các chính sách tài chính thống nhất. Năm 2008, Thống đốc Ngân hàng Nhà Nước ra chỉ thị 03 nhằm giảm và khống chế hạn mức tín dụng đầu tư chứng khoán là không đứng trên lợi ích của hệ thống tài chính. Chỉ thị 03 đã gây tâm lý tiêu cực cho TTCK, trong khi cho vay chứng khoán theo thể lệ tín dụng cầm cố, thế chấp là rất an toàn. Vì chứng khoán niêm yết có khả năng thanh khoản cao. Mặt khác, khi ngân hàng thương mại cho vay đầu tư chứng khoán, tức là ngân hàng đã mặc nhiên chuyển được một phần vốn ngắn hạn của nền kinh tế sang vốn dài hạn đầu tư phát triển.    


 http://ndhmoney.vn/web/guest/s02/-/journal_content/ttck:-4-diem-nguoc-doi-va-3-nhom-giai-phap 
* Đăng báo bị cắt xén khá nhiều

Thứ Ba, 11 tháng 9, 2012

Chẳng thể nào

Chẳng thể nào ta đến được cùng nhau
Một khoảng cách bây giờ xa xôi quá
Trên con đường dòng đời hối hả
Ta lạc nhau mà chẳng hiểu vì đâu

Em bước đi che nét mặt âu sầu
Trời bỗng đổ cơn mưa mùa hạ
Phải chăng mình đến với nhau vội quá
Nên cuộc tình chóng vội tan vỡ mau

Bức tranh xưa hạnh phúc đã phai màu
Mình em về trên lối đi thuở trước
Mộng ước xưa mà em mong ước
Giờ chỉ còn là những kỉ niệm xưa.
                                      Công Tôn Sách   30/6/2007

Yêu dấu tan theo p2 : em đến thăm anh đêm 30




30 Tết, thật bận rộn mệt mỏi khi cùng gia đình chuẩn bị đón giao thừa cuối năm , buổi tối có được thời gian thảnh thơi anh một mình lang thang ngoài đường dạo phố cuối năm . Sài Gòn 30 Tết thật vắng vẻ dòng người đông đúc nhộn nhịp như thường lệ đã ko còn . Lạc bước đến chợ hoa Nguyễn Huệ nhìn những đôi trai gái đi bên nhau anh lại nhớ đến hình ảnh ngày này cách đây mấy năm về trước một ngày em đã đến thăm anh .

Thật ngạc nhiên và bất ngờ vì chỉ mấy hôm trước đó thôi chính anh đã đưa em ra bến xe về quê ăn Tết mà bây giờ em lại xuất hiện nơi đây, em đã cười nói rằng Tết năm nay em được lên Sài Gòn ăn Tết cùng ông bà ngoại vì ông ngoại em cũng vào Sài Gòn ăn Tết tại nhà bà con, anh đã mỉm cười rất sung sướng như vậy là Tết năm nay anh sẽ ko còn cô đơn khi được đón Tết cùng em và chúng mình lại có được giây phút bên nhau cùng đi dạo chơi quanh thành phố . Đến chợ hoa Nguyễn Huệ mình hòa cùng dòng người đang nô nức ngắm hoa chụp ảnh xem phong cảnh… lúc nghỉ dừng chân nhìn những đôi tình nhân đi bên nhau bất chợt em đã hỏi anh “Anh có yêu em ko? Tại sao từ đó đến giờ anh luôn bên em mà chưa hề nói tiếng yêu em ?” anh đã trả lời em rằng “ Chỉ cần em nhìn vào mắt anh, nhìn những việc anh làm đối với em là nhận ra được tình cảm của anh giành cho em”. Em đã mỉm cười và anh đã nhìn thấy trong mắt em một nụ cười rất hạnh phúc vì em đã tin tưởng tình cảm anh giành cho em một tình cảm rất chân thật . Yêu một người đâu cần thể hiện bằng lời nói mà hãy nhìn vào hành động là sẽ cảm nhận được phải ko em.

Em đến thăm anh đêm ba mươi
Còn đêm nào vui bằng đêm ba mươi
Anh nói với người phu quét đường
Xin chiếc lá vàng làm bằng chứng yêu em.

Tay em lạnh để cho tình mình ấm
Môi em mềm cho giấc ngủ em thơm
Sao giao thừa xanh trong đôi mắt ngoan
Trời sắp Tết hay lòng mình đang Tết.

Bất chợt vang lên những tiếng nổ trên không trung làm anh chợt tỉnh cơn mê . Như vậy đã đến 12 giờ khoảnh khắc giao thừa chuyển giao năm cũ và năm mới đã đến .Pháo hoa đã làm rực sáng hẳn một góc bầu trời thành phố nhưng chỉ ít giây phút nữa thôi khi màn bắn pháo hoa kết thúc bầu trời lại trở về một màn đêm đen tối cũng như cảm giác của anh lúc này vậy, một cảm giác ko còn em bên cạnh nữa .


Tháng ngày đã trôi qua
Tình đã phôi pha
Người khuất xa
Chỉ còn chút hương xưa
Rồi cũng phong ba
Rụng cùng mùa.

Dòng sông đêm
Hồn đen sâu thao thức
Ngàn vì sao mọc
Hay lệ khóc nhau
Đá buồn chết theo sau
Ngày vực sâu
Rớt hoài xuống hư không
Cuộc tình đau.


Lại một mùa Xuân trôi qua với anh trong cô đơn vắng lặng ngày nghỉ với anh là những ngày cô đơn cực hình nhất khi hình bóng em luôn quanh quẩn trong tâm trí anh . Chẳng biết bao giờ anh mới quên được em ?chẳng biết hiện giờ em có được hạnh phúc ko?, nụ cười tươi xinh có luôn trên môi em hay ko và dù ở phương nào anh cũng mong em luôn luôn được hạnh phúc .

Thứ Sáu, 7 tháng 9, 2012

Yêu Dấu Tan Theo (phần 1 )

Thời gian trôi qua thật nhanh mới đó mà đã 8 năm rồi kể từ ngày chúng mình chia tay . Hôm nay chợt tình cờ cùng bạn bè vào lại quán cafe xưa nơi anh và em mình đã gặp nhau lần cuối và chúng mình đã nói lời chia tay chấm dứt một cuộc tình tưởng chừng như chẳng thể nào tan vỡ .
Thôi em đừng bối rối
Trong ta chiều đã tàn
Thôi em đừng khóc nuối
Cho môi còn chút thanh tân.

Tóc em gầy trong gió
Trong ta giọt máu mù
Khô theo ngày thương nhớ,
Vết buồn khắc trên da.


Lần đầu tiên sống tại Sài Gòn bước vào quãng đời sinh viên tất cả đều thật bỡ ngỡ ,em như cô bé Alice lần đầu tiên bước vào xứ sở thần tiên còn anh là dân ngoại thành Sài Gòn đang học năm thứ 3 . Em có mái tóc dài chấm ngang vai , em có nụ cười rất duyên với chiếc răng khểnh và cái má lún đồng tiền thật xinh xắn .Ngày đầu tiên mình quen nhau em đã hỏi anh một cậu rất ngây thơ : Chợ Lớn có phải là Chợ Bến Thành ko anh ? Anh đã bật cười khi nghe câu hỏi này của em bắt đầu từ đó anh chú ý nhiều đến em và anh đã bắt đầu yêu em .

Như mọi đôi lứa đang yêu, ai cũng đều cho rằng tình yêu của mình là đẹp nhất và anh cũng vậy . Chúng mình đã có những giây phút rất hạnh phúc bên nhau .Anh đã đưa em đi dạo quanh thành phố Sài Gòn là hướng dẫn viên du lịch miễn phí cho em: anh chỉ cho em đây là chợ Lớn đây là chợ Bến Thành , ngã tư này là nơi hòa thượng Thích Quảng Đức đã tự thiêu năm xưa ,nơi đây được gọi là hồ con Rùa và chúng mình đã thường xuyên uống nước tại đây vào mỗi buổi chiều khi cả hai được tan học sớm .Vào mỗi ngày cuối tuần chúng mình cũng có những giây phút giải trí rất sinh viên mình cùng nhau đi xem phim tại nhà hát Bến Thành ( vé do bạn anh làm trong nhà hát cho) , mình cùng tham gia các hoạt động phong trào tại nhà văn hóa Thanh Niên ....... Anh nhớ nhất là kỉ niệm khi mình đứng trú mưa bên đường anh đã đứng che mưa cho em và anh đã phải dùng răng cắn vào lưỡi để tránh hai hàm răng va vào nhau cầm cập vì lạnh giá . Tất cả những cảm giác ấy nó còn mãi trong anh như mới xảy ra ngày hôm qua .

Lên năm thứ 2 do hoàn cảnh gia đình khó khăn em đã phải đi làm thêm , anh cũng vừa xin được một chân giao hàng , anh vừa làm vừa lo luận án tốt nghiệp .Công việc hai đứa bận túi bụi thời gian mình gặp nhau ko còn như trước nữa . Có phải chăng vì cuộc sống phồn hoa đô thị hay do kinh tế gia đình mà khiến em lao vao kiếm tiền quên hết mọi thứ . Em không còn nét hồn nhiên tươi cười như trước em trở nên trầm lặng hơn trước mọi việc .Bỏ mặc những lời khuyên của anh và bạn bè em vẫn lao vào làm việc quên cả học hành . Anh đã đứng đợi em rất nhiều lần vào buổi tối đến tận 10h hơn nhưng em vẫn chưa về anh chỉ còn biết để lại gói xôi vẫn mua cho em như mọi khi rồi lặng lẽ ra về .Anh đã tự hỏi rằng phải chăng anh không mang lại được cuộc sống đầy đủ hạnh phúc cho em đã khiến em phải lao đầu vào làm việc kiếm tiền đến như vậy . Khoảng cách giữa hai đứa cứ ngày một tăng dần lên , đến một ngày anh hẹn em ra gặp mặt , anh đã không thể khuyên bảo được em và mình nói lời chia tay , em đã suy nghĩ một lúc rồi bình thản chấp nhận như đã chuẩn bị từ trước chiều hôm ấy trời Sài Gòn chợt nổi lên cơn dông làm đổ cả cây bên vệ đường anh về nhà mà lòng nặng trĩu cả đêm anh không ngủ được .

Em theo đời cơm áo.
Mai ra cùng phố xôn xao.
Bao nhiêu ngày yêu dấu tan theo
Ta ôm tình nặng trĩu
Nghe quanh đời mưa bão,
Ôi những ngày yêu dấu bọt bèo.
Thời gian sau đó mình đã ko gặp lại nhau và cũng bặt luôn tin tức . Sài Gòn đã khác xưa rất nhiều tự ngày mình chia tay , những quán cafe cóc ven hồ con Rùa cũng ko còn nữa được thay bằng những quán cafe sang trọng hơn , anh chợt thấy tiếc khi mất đi một khung cảnh thơ mộng đầy chất sinh viên bình dị thuở nào . Chiều nay một mình lang thang trên phố anh lại nhớ đến em chẳng biết giờ này em ở đâu, biết em có còn nhớ đến kỉ niệm những ngày yêu dấu xưa của chúng mình hay ko ? Anh vẫn mong em sẽ được sống hạnh phúc luôn tười cười như những ngày xưa .
Bất chợt Sài Gòn trời đổ mưa , đứng nép vào bên đường một đôi bạn trẻ cũng đang đứng trú mưa anh chợt thầm nghĩ chẳng biết chàng trai ấy có biết đứng bên ngoài che mưa cho bạn gái như anh đã làm ngày xưa ko ?

Bên sông chiều mưa tới
Bên ta cụm khói rời
Nghe bên ngày nắng mới
Em đi bằng bước chân vui

Sau lưng ngày con gái
Môi son đừng biếng lười
Cho ta còn mãi mãi
Chút buồn phấn hương bay.


                        
  Người tình bỏ ta như dòng sông
                          Một mình qua phố nhớ mưa hồng
                          Em ở phương nào em còn nhớ
                          Những ngày yêu dấu bọt bèo không ?
                                                                21/11/2006

Thứ Sáu, 9 tháng 9, 2011

Thứ Sáu 9/9/2011

5h20 PM   mây đen kéo đến ngập trời , mình rời công ty xách cặp đi học mà   chạy xe phải mở đèn đường cho  sáng.  Đang bon bon trên đường thì mưa ập đến . Mặc dù có mặc áo mưa nhưng cũng bị ướt đôi giày và gấu quần .

7h20 PM  đi về nhà. Đường phố kẹt xe khủng khiếp . Luồn lách mãi qua đám đông may mắn vọt qua  được ngã tư Hàng Xanh  thì trời lại mưa tiếp đợt 2 . Cũng kịp khoác cái áo mưa lên nhưng gió to  mưa tạt làm ướt cả người .  Vừa  vào trong nhà  thấy ông anh rể đang đứng chờ Ba mình chở 2 đứa cháu ngoại đi học về . Vừa cởi áo mưa thì nghe tiếng kèn xe Ba  mình  cũng đang trước cửa.  Chưa kịp đưa xe vào nhà thì  anh hàng xóm  chạy đến trước cửa xe  mếu máo " Bác ơi chở giúp con cháu đi cấp cứu ko thì cháu chết mất ".  Ba mình đưa 2 đứa nhóc vào nhà còn mình và ông anh rể đưa đứa bé  hàng xóm đi cấp cứu . Đứa bé bị sốt cao khó thở  hàm răng cắn chặt vào lưỡi , người mẹ trẻ trên xe khóc lóc liên hồi.  Vào đến bệnh viện bác sĩ  chỉ lấy khăn ướt đưa lên ngực đứa bé và kiu hãy đưa lên  bệnh viện Nhi Đồng 2.  Ngoài trời vẫn đang mưa và  vẫn kẹt xe , anh chị hàng xóm van xin đưa  bằng xe cấp cứu  nhưng các bác sĩ lại từ chối với thái độ thản nhiên hững hờ. Cuối cùng  bảo đi xe cấp cứu sẽ trả tiền  thế là đứa bé được đi bằng xe cấp cứu lên bệnh viện.

Bây giờ ngoài trời vẫn đang mưa chả biết  đứa bé có  bị làm sao không  nhưng nhìn thái độ làm việc của bác sĩ  thì có thể  hiểu  được rằng tại sao có vụ án người nhà bệnh nhân đâm chết bác sĩ  rồi.

Thứ Tư, 3 tháng 8, 2011